Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

CHIẾN TRANH ĐÃ BẮT ĐẦU NHƯ THẾ

NHIỆM VỤ DO TƯ LỆNH ĐỀ RA
Hôm sau, tôi đã có mặt ở Ki-ép, trên đường phố Tsơ-ca-lốp, nơi làm việc của bộ tham mưu quân khu.
Tiếp tôi là một sĩ quan trẻ, trên phù hiệu của anh lấp lánh ba gạch đỏ.
-Chính ủy tiểu đoàn Xéc-gây-ép, -anh tự giới thiệu.
Trưởng phòng cán bộ hồi ấy tuổi chưa quá 35, trông còn trẻ hơn. Nhưng anh đã có giọng kể cả và dáng dấp đạo mạo thường thấy ở một số cán bộ công tác lâu năm.
-Tôi đã được tư lệnh cho biết về đồng chí. Bây giờ mời đồng chí hãy làm các thủ tục. Sáng mai 11 giờ, đồng chí gọi điện cho tôi. Tôi sẽ thông báo thời gian tư lệnh bố trí gặp đồng chí
Chia tay Xéc-gây-ép, tôi đến khách sạn. Buổi tối, tôi dạo chơi quanh thành phố. Tôi đến Ki-ép đã nhiều lần. Nhưng lần nào mình cũng thấy trầm trồ trước vẻ đẹp của thành phố, những tòa nhà với hàng cây xanh tốt bao quanh, những đường phố nên thơ chạy thành bậc từ trên đồi xuống đến tận sông Đni-ép-rơ mênh mông, bát ngát, luôn đắm mình trong làn sương bạc mỏng manh. Khi chiêm ngưỡng nền kiến trúc muôn màu cửa Ki-ép, một nền kiến trúc nhuần nhuyễn cảm hứng của các nhà kiến trúc suốt bao thế kỷ, người ta không khỏi sửng sốt trước sự hoàn mỹ cửa thành phố này. Vẻ cổ kính màu xám bạc quyện chặt hài hòa với nét kiến trúc tươi mới. Và mặc dù pha lẫn nhiều phong cách kiến trúc, thành phố vẫn giữ được màu sắc dân tộc của mình. Đi dạo trên đường phố Ki-ép, bất giác khiến ta nghĩ đến khối đá vô tri vô giác kia như đang sống lại và đâu đó âm vang một giai điệu dân ca Ukraina.
Lòng đầy cảm xúc, đêm ấy tôi không sao ngủ được, nên dậy muộn hơn thường lệ. Vả lại đi đâu mà vội, từ giờ đến 11 giờ có việc gi đâu. Nhưng tôi chưa kịp lau mình thì đã thấy một chiến sĩ Hồng quân còn đang thở gấp, gõ cửa:
-Thưa đồng chí đại tá, chính ủy tiểu đoàn đã lệnh cho tôi báo cáo với đồng chí: tư lệnh mời đại tá lên ngay.
Xéc-gây-ép đang sốt ruột chờ đợi tôi ở cổng bộ tham mưu.
-Đồng chí vào đi, tư lệnh đang đợi.
Vẫn căn phòng rộng rãi quen thuộc trước kia mà tôi đã từng tới làm việc. Tư lệnh ngồi sau bàn và đang ngoáy bút cho ý kiến trên một văn kiện. Liền bên là cặp tài liệu với những giấy tờ chờ giải quyết. Thầy tôi, Giu-cốp đặt bút xuống bàn mỉm cười, làm dịu bớt bản mặt nghiêm nghị. Đồng chí đứng dậy, chìa tay:
-Chào I-van Khơ-ri-xtô-phô-rô-vích. Đã lâu bọn mình không gặp nhau.
Một lần nữa, tôi lại nhớ tới Trường cao đẳng kỵ binh ở Lê-nin-grát. Trong lớp chúng tôi có A.I-Ê-ri-ô-men-cô, Gh.C.Giu-cốp, N.L.Mi-súc, C.C.Rô-cô-xốp-xki, P.L.Rô-ma-nen-cô, I-a.A.Xa-vê-li-ép, X.P.Xi-ni-a-cốp, V.I.Tsi-xti-a-cốp, mỗi người một tính cách. Nhưng khi đó, tất cả đã là những cán bộ chỉ huy dày dạn, những con người kiên nghị, dũng cảm trong suy nghĩ và hành động.
Lúc ấy, chưa một ai trong chúng tôi đến tuổi ba mươi. Là nhưng thanh niên trẻ, khỏe (con nhà kỵ binh có đặc điểm được rèn luyện nhiều về thể lực), chúng tôi luôn luôn đua tài đua sức trong học tập cũng như trong các cuộc đua ngựa.
Trong số chúng tôi, phải công nhận kiên trì nhất vẫn là A.I.Ê-ri-ô-men-cô. Với sự cần cù hiếm có, anh theo đuổi chương trình học rất nặng và căng. Tính kiên định và tinh thần phấn đấu không mệt mỏi đó được anh giữ mãi suốt đời và thể hiện đặc biệt mãnh liệt trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Ở lớp tôi, Gh.C.Giu-cốp được coi là một trong những học viên tài năng nhất. Ngay khi ấy, anh đã khác người rõ rệt không chỉ về mặt phẩm chất ý chí, mà cả về cách suy nghĩ thật độc đáo. Trong các buổi học chiến thuật kỵ binh, Giu-cốp nhiều lần làm chúng tôi ngạc nhiên vì một điều bất ngờ nào đó. Cách giải quyết của anh bao giờ cũng gây nhiều tranh luận, và bao giờ anh cũng biết bảo vệ quan điểm của mình một cách thật logic.

          
                                                                     TO BE CONTINUED

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

CHIẾN TRANH ĐÃ BẮT ĐẦU NHƯ THẾ

MỤC LỤC


1) CÙNG BẠN ĐỌC


2) ĐẶC KHU

    TRỞ LẠI ĐƠN VỊ

    NHIỆM VỤ DO TƯ LỆNH ĐỀ RA
   

CHIẾN TRANH ĐÃ BẮT ĐẦU NHƯ THẾ

ĐẶC KHU

TRỞ LẠI ĐƠN VỊ

Tôi chia tay với sư đoàn kỵ binh 5 và từ Gi-tô-mia đến Mát-xcơ-va để vào học ở Học viện Bộ Tổng tham mưu vùa mới thành lập, đã gấn bốn năm tròn.
Học viện đã bồi dưỡng cho chúng tôi rất nhiều cho chúng tôi rất nhiều, làm giàu kiến thức của mỗi người, nhất là trong lĩnh vực nghê thuật quân sự. Thành tích học tập thể hiện ở hỗ một số học viên đã trở thành cán bộ giảng dạy của chính học viện này.
Tôi thi tốt nghiệp đát kết quả tốt và đang đợi bổ nhiệm về đơn vị thì bỗng được đề nghị ở lại làm giảng viên chính của học viện. Tuy không hợp nguyện vọng, song tôi cũng ưng thuận.
Tôi giảng dạy được hai năm. Mọi việc tiến triển bình thường. Tôi đã quen với nhiệm vụ mới, và dường như không có gì trở ngại để bằng lòng với số phận của mình. Song phần lớn cuộc đời tôi đã sống trong quân ngũ sôi nổi, với những cuộc diễn tập và hành quân liên miên, giống như người dân du mục phải lên đường rời nơi chôn quen thuộc, tôi cũng thấy khó kìm nổi niềm khao khát được quay về với môi trường cũ. Tôi không muốn để nhà tôi phải sớm buồn vì nổi trăn trở đó của mình. Nhà tôi, cũng như mọi người vợ khác, đều muốn sống một cuộc đời thanh bình, yên ổn, để con cái có thể học tập bình thường, không phải nay đây mai đó.Tôi đã thử vài lần bỏ học viện về đơn vị nhưng không xong. Lần nào cũng bị từ chối với mọi lý do xem ra rất xuôi tai.
Một hôm, tôi nói chuyện với Ác-gu-nốp (đồng chí này cũng được giữ lại giảng viên ở Học viện Bổ Tổng tham mưu). Chúng tôi phát ghen với những đồng chí sau khi tốt nghiệp tại đây được về đơn vị. Một người bạn thân của tôi, người rất đáng mến là đại tá A.N.Cô-rô-li-ốp được cử làm chủ nhiệm giao thông vận tải quân khu Mát-xcơ-va. Đại tá Tơ-rô-phi-men-cô trước kia cùng học với chúng tôi được bổ nhiệm sư đoàn trưởng và về chỉ huy đơn vị ở quân khu Trung Á...
-Còn mình với cậu,-Ác-gu-nốp mỉm cười không vui,-chẳng mấy chốc sẽ thành những học giả khô khan. Chẳng ai thèm ngó tới. Và rồi thiên hạ còn riễu: chà, những nhà lý luận suông, xa rời cuộc sống bộ đội... Mà bọn mình thì có lỗi gì cơ chứ ?
Tôi đã định bác lại rắng làm giảng viên chính thức của học viện là một vinh dự lớn. Nhưng những ý nghĩ khác vô tình lại đến với tôi. Ở ta, quả thực có lúc người ta giá chưa đúng mức những cán bộ chỉ huy làm việc ở các trường cao đẳng quân sự, ở bộ máy trung ương của Bộ dân ủy quốc phòng và thậm chí ở cả Bộ Tổng tham mưu. Đôi khi điều này làm cho những sĩ quan trẻ trẻ và có khả năng nhất không thích công tác tại bộ máy trung ương và sợ rằng sau năm năm sẽ trở thành "lạc hậu" so với bạn bè của mình tốt nghiệp xong đã về đơn vị.
Trong khi đó, sự chênh lệch về giữa những người cộng tác ở các trường cao đẳng ở quân sự, ở bộ máy trung ương, với những người công tác ở bộ máy đơn vị lại đập vào mắt mọi người. Bốn năm làm việc giữa bốn bức tường của học viện, tôi thấy rất ít học viên được thăng cấp, trong khi học viên của họ ở đơn vị cứ lên cấp vùn vụt.
Tôi đến học viện cùng với M.I.Ca-da-cốp, một người bạn cũ ở sư đoàn kỵ binh 5. Ngày nay, đồng chí là một nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng, cấp đại tướng. Tôi còn nhớ hồi ấy anh mới thiếu tá. Mới học được một năm, thì Ca-du-cốp chuyển đến quân khu trung Á. Vậy mà chỉ hai năm sau, tôi đã có thể vui sướng chúc mừng Ca-du-cốp nhân dịp anh được đề bạt sư đoàn trưởng.
-Cậu biết đại tướng Giu-cốp được cử làm tư lệnh quân khu Ki-ép chưa ?-Ác-gu-nốp hỏi tôi-Hay là ta viết thư cho đại tướng ? Chẳng lẽ đồng chí lại không giúp được gì cho bạn học cũ hay sao ? Hơn nữa, cậu có xin về Mát-xcơ-va đâu, mà chỉ xin xuống đơn vị thôi...
Tôi suy nghĩ về lời khuyên của bạn. Quả thực, tôi và Gh.C.Giu-cốp đã quen biết nhau từ lâu. Có một thời, hai chúng tôi đã chỉ huy các trung đoàn kỵ binh, lại cùng học với nhau ở trường cao đẳng kỵ binh ở Lê-nin-grát vào những năm 1924-1925. Nhưng ngay trong sự việc này, tôi cũng không muốn lợi dụng quan hệ cá nhân. Vào lúc ấy bỗng Thiếu tướng Rúp-txốp, bạn tôi, có dịp lên Mát-xcơ-va đón gia đình. Chúng tôi đã cùng học với nhau ở học viện, sau đó lại cùng làm công tác giảng dạy. Rút-xtốp được xuống đơn vị cách đây mấy tháng. Đồng chí là một cán bộ có năng lực, rất am hiểu công tác tham mưu (khi đến học viện đồng chí, đồng chí đã làm tham mưu trưởng quân đoàn bộ binh). Cuộc gặp gỡ làm cho cả hai chúng tôi đều vui.
-Thế nào, bây giờ cậu ở đâu và làm gì ? - tôi hỏi.
-Ở chỗ Giu-cốp, Rút-txốp trả lời đầy tự hào. - Trưởng phòng tác chiến.
-Chà cậu thật may mắn! Còn mình vẫn không sao thoát khỏi nơi này.
-Hãy nghe mình,- Rúp-txốp giọng sôi nổi,-cậu cứ đề nghị với Giu-cốp đi. Đồng chí ấy sẽ giúp cậu. Ai chứ Giu-cốp thì biết rõ cậu quá còn gì. Thôi viết thư đi, mình sẽ chuyển tới tận tay cho.
Tôi đồng ý với cách này. Thư tôi viết ngắn, như một bản báo cáo: "Suốt thời gian công tác trong quân đội, tôi đều ở đơn vị, vì vậy, tôi thiết tha mong được trở về đội ngũ.. Xin sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào".
Tôi cho rằng một điều hết sức quan trọng là cân nhắc với bạn đọc: tình hình thế giới lúc ấy ngày một căng thẳng. Chiến tranh đã nổ ra ở Châu Âu. Anh và Pháp vốn đã tìm mọi cách đẩy nước Đức phát-xít sang phía Đông để chống Liên Xô, thì nay đã buộc phải đương đầu với cuộc tiến công ồ ạt của Đức . Họ phải gánh chịu hậu quả do đường lối phản trắc của họ. Mọi cố gắng của Chính phủ Liên Xô nhằm thõa thuận với Anh và Pháp để cùng nỗ lực ngăn chặn bọn phát-xít xâm lược đều không có hiệu quả. Chính phủ phản động của hai nước nước nhằm cô lập Liên Xô về chính trị và gạt mũi nhọn tiến công của bọn phát-xít Đức và bọn quân phiệt Nhật về phía Liên Xô.
Chính phủ Liên Xô đã ngăn chặn được nguy cơ đó. Việc ký kết với Đức hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau đã tan âm mưu mới của thế lực phản động quốc tế hòng dùng bàn tay của bọn quân phiệt Đức và Nhật để tiêu diệt Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Tất nhiên, không ai tin được rằng chính phủ phát-xít Đức sẽ giữ được lâu quan hệ láng giềng hữu hảo. Nhân dân Liên Xô biết rõ bọn phát-xít căm thù đến mức nào đối với Nhà nước công nông. Song hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau giữa Liên Xô và Đức không chỉ phá vỡ mưu toan của các thế lực phản động quốc tế, mà còn tạo cho nhân dân Liên Xô thời gian quý báu và rất cần thiết để củng cố sức mạnh quốc phòng của đất nước.
Tôi còn nhớ trong các nhóm giáo viên và cả trong số học viên Bộ Tổng tham mưu ngày càng có nhiều cuộc tranh luận về triển vọng quân sự ở châu Âu. Nhiều người nói thẳng ra khả năng bè lũ Hít-le sau khi đánh bại nước Pháp sẽ chuyển sang phía Đông tiến công Liên Xô.
Mọi cuộc nói chuyện đều toát lên hoài nghi rất có cơ sở về thiện chí hòa bình của giới cầm quyền nước Đức Hít-le. Thường là sau khi hỏi thăm sức khỏe người ta hỏi ngay:
-Thế nào, liệu có chiến tranh không ?
Dĩ nhiên, chúng ta thừa hiểu là bọn phát-xít điên cuồng với khát vọng bá chủ thế giới nếu hôm nay đã ném bom những thành phố thanh bình của nước Anh thì ngày mai có thể sẽ ném bom lên đầu chúng ta còn ác liệt hơn.
Có thể ngồi yên khi bên nước láng giềng, máu của những người dân lành đang đổ, khi nhà cửa của họ đang biến thành đống hoang tàn đổ nát ? Nhân dân Liên Xô lo lắng theo dõi những sự kiện ở phương Tây. "Chủ nghĩa phát-xít - đó là chiến tranh", câu nói ấy đã thành lời cửa miệng và nhắc nhở nhân dân dè chừng hiểm họa. Một điều làm chúng ta phải thường xuyên cảnh giác đề phòng là từ mùa hè năm 1940, phần lớn biên giới phía Tây, về thực chất, đã trở thành láng giếng trực tiếp của nước Đức Hít-le. Quả là một tình thế lân bang hết sức nguy hiểm.
Những ý nghĩ lo lắng đó xâm chiếm lòng tôi. Và chính vì thế, tôi càng khao khát được về đơn vị. Thật là sung sướng nếu được về bất kỳ quân khu nào ở phía Tây, nhưng thích nhất vẫn là quân khu Ki-ép, nơi tôi đã công tác trước khi đi học. Tôi hiểu rẳng trong tình huống không yên này, quân đội rất cần những cán bộ chỉ huy đã được huấn luyện những điều cần thiết về tác chiến ở quy mô chiến dịch tại Học viện Bộ Tổng tham mưu.
Trong khi đợi Ki-ép trả lời, phòng khám bệnh của học viện cho tôi đi an dưỡng ở Ki-xlô-vốt-xcơ. Lúc này không phải lên lớp nên tôi vui lòng nhận lời và ba ngày sau đã được tận hưởng thiên nhiên tuyệt diệu ở miền Bắc Cáp-ca-dơ.
Tại đây, tôi gặp rất nhiều người quen. Là quân nhân, ngay cả trong lúc nghỉ ngơi rỗi rãi, chúng tôi vẫn không thể không nói chuyện về công việc quân sự và tình hình châu Âu.
Anh em ca ngợi hoạt động sôi nổi của đồng chí X.C.Ti-mô-sen-cô, bộ trưởng mới Bộ dân ủy quốc phòng, những cố gắng của đồng chí nhằm nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, củng cố kỷ luật hơn nữa. Thiếu tướng M.I.Pô-ta-tốp ở quân khu Ki-ép đế, hào hứng kể chuyện về bắt đầu thành lập những binh đoàn cơ giới, việc sắp sửa thay những xe tăng kiểu cũ bằng những loại xe mới tuyệt diệu.
Những ngày nghỉ nhanh chóng trôi qua. Song ngay trong lúc nghỉ ngơi, tôi vẫn băn khoăn với ý nghĩ: đồng chí Giu-cốp sẽ trả lời mình như thế nào đây? Khi đã hết hi vọng thì nhận được điện báo. Đại tướng Giu-cốp báo tin, theo yêu cầu của đồng chí, bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng đã điều tôi về đặc khu Ki-ép. Tôi đươc lệnh đến ngay Ki-ép.
Ở Mát-xcơ-va, tại Cục cán bộ chỉ huy, tôi đươc đọc lệnh của bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng cử tôi làm trưởng phòng tác chiến bộ tham mưu tập đoàn quân 12. Tôi cũng đươc phép đọc cả bản nhận xét mới nhất thời gian qua của Ban giám đốc học viện.
Đôi khi, người ta vẫn nhắc đến câu thành ngữ: "thức khuya mới biets đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân". Có thể nói như vậy trung tướng V.C.Mooc-do-vi-nop, chủ nhiệm khoa của chúng tôi, Đồng chí không bỏ qua một sai sót nhỏ trong công tác, thẳng thắn phê bình chúng tôi, những cán bộ giảng dạy trẻ tuổi. Vì vậy, tôi cũng không tính đến việc được nhận xét tốt. Nhưng khi bắt đầu đọc bản nhận xét do chính đồng chí tự tay ghi thì tôi không dám tin vào mắt mình nữa. Chỉ toàn những lời khen về mình ư ? Cuối bản nhận xét là kết luận: "Hoàn toàn thích hợp với chức vụ và xứng đáng được thăng quân hàm thiếu tướng".
Vậy mà tất cả những lời tốt đẹp đó lại là của một người mà chúng tôi vốn nghĩ là rất hà tiện lời khen!
Sau khi nhận lệnh điều động công tác và thu thập tài liệu cần thiết, vào một buổi tối tháng Chín, tôi chia tay với gia đình. Đây là lần đầu tiên trong suốt thời gian dài công tác trong quân đội, gia đình không đi theo tôi. Cháu trai và cháu gái vừa vào năm học mới, vả lại quyết định thuyên chuyển quá bất ngờ đến nổi không thể nói chuyện cùng thuyên chuyển.



Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

CHIẾN TRANH ĐÃ BẮT ĐẦU NHƯ THẾ

CÙNG BẠN ĐỌC

Đáng tiếc, đứng trước con người có những kẻ thù đích thực làm cho trí nhớ của họ dần dần phai nhòa. Thời gian lặng lẽ và từ từ xóa đi biết bao sự việc lý thú và bổ ích của cuộc sống đã qua còn in lại trong ký ức. Đôi lúc những sự kiện và ấn tượng mới vô tình khiến ta nhìn nhận những cái đã qua theo một cách khác, và khi ấy bỗng nhiên ta lại hình dung những sự việc năm xưa không hoàn toàn giống như trước nữa. Có nhiều nguy cơ như vậy vây quanh người viết hồi ký. Hiểu rõ điều đó, nên khi bắt tay vào ghi lại những chuyện đã qua, tôi không chỉ dựa vào trí nhớ, mà còn nghiên cứu những tài liệu đã giữ lại được và tìm gặp những người đã tham gia tích cực vào các sự kiện.
Tôi viết về cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Cuộc chiến tranh này chẳng những làm cho người đương thời mà còn làm cho lớp lớp con cháu của chúng ta còn mãi mãi quan tâm. Sự vững vàng kiên định của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, lòng yêu nước hết sức nồng nàn của những con người xô-viết được thể hiện đặc biệt sáng ngời trong cuộc xung đột vũ trang này, một cuộc xung đột khốc liệt và đẫm máu nhất trong lịch sử loài người.
Với lòng tự hào chính đáng, chúng ta nhớ lại những chiến thắng lẫy lừng của Hồng quân, từ những trận đánh vĩ đại ở gần Matxcova, Xtalingrad, Kursk đến trận chiến kết thúc cuộc chiến tranh toàn thắng.
Thật không lấy làm lạ việc miêu tả những chiến dịch đó lại được chú ý rất nhiều. Nhưng cũng thật lầm to, nếu như trong những sự kiện của thời kỳ đầu chiến tranh, có ai đó lại chỉ chỉ toàn thấy những thất bại của Quân đội Xô-viết trước sự tiến công bất ngờ của bọn xâm lược. Không nên quên rằng chính những ngày gian nguy đó đã chứng minh hùng hồn cho toàn thế giới biết rằng Hồng quân, dưới sự lãnh đạo dày dạn của Đảng cộng sản, có thể vượt qua mọi thử thách nặng nề nhất. Tinh thần anh dũng, quả cảm của những chiến sĩ xô-viết, sự sáng suốt của đảng và chính phủ đã làm cho mọi kế hoạch của kẻ thù tan thành mây khói.
Toàn thế giới của nhiều nước tư bản đã nhanh chóng bị suy sụp và đầu hàng quân xâm lược trong những điều kiện ít phức tạp hơn. Chẳng hạn như nước Đức Hít-le chỉ trong một thời gian ngắn đã chiếm được hầu như toàn bộ Tây Âu. Thắng lợi dễ dàng đã làm cho bọn đầu sỏ phát-xít hoa mắt và cũng là mảnh đất nuôi dưỡng ý tưởng điên rồ về chuyện tiêu diệt Hồng quân và chinh phục đất nước Xô-viết trong vòng sáu tuần lễ.
Tôi muốn để bạn đọc thấy cái kế hoạch ăn cướp đó đã bắt đầu tan vỡ ngay từ giờ phút đầu tiên, khi những đoàn quân của bọn Hít-le mới vượt qua biên giới quốc gia của Liên Xô.
Chính vì thế, tôi quyết định bắt đầu hồi ức của mình từ những ngày sắp nổ ra chiến tranh và lấy những sự kiện của thời kỳ đầu chiến tranh năm 1941 ở Ucraina làm nội dung chính.
Vào lúc chiến tranh sắp nổ ra, tôi làm trưởng phòng tác chiến kiêm phó tham mưu trưởng đặc khu Kiev, mà ngay từ ngày đầu chiến tranh, nó đã được chuyển thành phương diện quân Tây-Nam. Tôi đã tham gia trực tiếp vào việc thảo các kế hoạch tác chiến của quân khu ngay trước chiến tranh và tổ chức chỉ huy chiến sự được triến khai vào mùa hè năm 1941 trên lãnh thổ rộng lớn của nước Ucraina Xô-viết trong những điều kiện cực kỳ bất lợi cho chúng ta.
Lòng chân thành mong muốn kể lại với đông đảo đồng bạn đọc về những con người Xô-viết đã phải chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn  như thế nào để đánh trả cuộc tiền công phản trắc của quân phatxit Đức, và họ đã thực hiện nghĩa vụ quân nhân đối với Tổ quốc một cách anh hùng ra sao, đã thôi thúc tôi bắt tay vào viết hồi ký.
Không gì có thể củng cố tình bạn bằng việc cùng nhau chiến đấu và vượt qua những thử thách gian nguy nhất. Tôi viết về những con người mà cho đến ngày nay mỗi khi nhớ tới họ, lòng mình vẫn thấy bồi hồi xúc động, tuy vậy, tôi vẫn cố gắng kể lại một cách hết sức khách quan và chính xác về những điều mà mình đã chứng kiến.
Ai đã từng cầm bút kể lại những sự ngày đã qua đều hiểu rằng viết về nhũng sự kiện mà bản thân đã trải qua không phải việc dễ dàng. Trong trường hợp như thế, đôi khi ta có cảm tưởng hành động của cấp chỉ huy mà chính mình là thành viên thì rất logic và dễ hiểu, còn hành động của những cấp chỉ huy khác thì trái lại khó giải thích, thậm chí còn sai lầm nữa. Tôi cố tránh thói chủ quan đó và cố gắng nhìn nhận hành động của các tướng lĩnh cũng với thái độ như khi tự đánh giá cách sử xự của mình.
Để giúp bạn đọc hiểu được những sự kiện của thời kỳ đầu chiến tranh, tôi định bắt đầu hồi ký của mình từ tình hình ở đặc khu Kiev trong những tháng trước đó.
Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại kéo dài 1418 ngày. Cuốn sách này chỉ nói tới 178 ngày đầu của nó. Đây thực ra chỉ mới là thời kỳ đầu của cuộc chiến.
Trong 178 ngày ấy, Hồng quân không chỉ phải gánh chịu thất bại, mà còn đã đánh địch, học tập cách chiến thắng. Trong phạm vi có hạn của mình tôi cố làm rõ điều đó qua việc kể lại hoạt động của bộ đội hai phương diện quân Tây-Nam và Nam.
Đặc biệt, tôi có ý định giải thích những nguyên nhân khiến Bộ Tổng tư lệnh tối cao đã tìm mọi cách trì hoãn việc rút các tập đoàn quân của Phương diện quân Tây-Nam ra khỏi Kiev khi mà chủ lực của phương diện quân đang có nguy cơ bị bao vây. Bạn đọc có thể thấy rằng mặc dù bộ đội soviet buộc lòng phải bỏ thủ đô Ucraina sau 70 ngày phòng thủ anh dũng và ngoan cường, nhưng sự chống trả của họ chẳng những không giảm sút, mà trái lại còn quyết liệt hơn. Nhờ những nỗ lực to lớn ấy, chúng ta đã khôi phục được một khu vực rộng lớn trên hướng Kiev-Kharkov.
Tôi muốn đánh tan quan niệm không đúng cho rằng vào tháng Mười hai năm 1941, bộ đội của Phương diện quân Tây-Nam phải rút từ tuyến Bê-lơ-gô-rốt, Khác-cốp về phía Đông là do bị thua trong các trận chiến đấu ác liệt xảy ra hồi cuối tháng Chín và nữa đầu tháng Mười. Tôi sẽ đưa ra những sự kiến xác thực để chứng minh là tình hình không phải là như vậy.
Đọc nhiều sách báo nói về cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, tôi chú ý đến một điều ngay các nhà sử học quân sự cũng không hình dung được hoàn toàn rõ ràng về sự phát sinh ý định tác chiến của một trong những chiến dịch tiến công lớn đầu tiên, đó là ý định đột kích ở vùng Rô-xtốp trên sống Đôn. Tôi tham gia từ đầu đến cuối vào việc chuẩn bị và tiến hành chiến dịch vẻ vang này nên tôi cố gắng kể lại tỉ mỉ về tư tưởng chiến dịch đã nảy sinh và được thực hiện như thế nào.
Không phải ngẫu nhiên mà hồi ký của tôi về thời kỳ đầu chiến tranh lại kết thúc bằng cuộc tiến công của bộ đội cánh phải của Phương diện quân Tây-Nam ở Ê-lê-txơ, một cuộc tiến công về thực chất là bộ phận của trận quyết chiến lớn ở gần Mát-xcơ-va, một trận đánh đã làm tiêu tan cái huyền thoại về sự bách chiến bách thắng của quân đội Hít-le. Chiến dịch tương đối không lớn về quy mô này chẳng những rất lý thú vì vẻ đốc đáo riêng, mà còn vì nó là một trong những dòng suối nhỏ hợp thành những dòng thác lớn cuốn phăng quân thù ra khỏi thủ đô Liên Xô.
Như mọi tác giả khác, khi hiến dâng công trình để bạn đọc phán xét, tôi mong muốn bạn đọc sẽ không lãnh đạm và luôn luôn nhớ tới những chiến sĩ dũng cảm đã thực hiện một cách xứng đáng nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc.

I.Kh.Ba-gra-mi-an
TRỞ LẠI DANH SÁCH            ĐẶC KHU_TRỞ LẠI ĐƠN VỊ