Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

CHIẾN TRANH ĐÃ BẮT ĐẦU NHƯ THẾ

CÙNG BẠN ĐỌC

Đáng tiếc, đứng trước con người có những kẻ thù đích thực làm cho trí nhớ của họ dần dần phai nhòa. Thời gian lặng lẽ và từ từ xóa đi biết bao sự việc lý thú và bổ ích của cuộc sống đã qua còn in lại trong ký ức. Đôi lúc những sự kiện và ấn tượng mới vô tình khiến ta nhìn nhận những cái đã qua theo một cách khác, và khi ấy bỗng nhiên ta lại hình dung những sự việc năm xưa không hoàn toàn giống như trước nữa. Có nhiều nguy cơ như vậy vây quanh người viết hồi ký. Hiểu rõ điều đó, nên khi bắt tay vào ghi lại những chuyện đã qua, tôi không chỉ dựa vào trí nhớ, mà còn nghiên cứu những tài liệu đã giữ lại được và tìm gặp những người đã tham gia tích cực vào các sự kiện.
Tôi viết về cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Cuộc chiến tranh này chẳng những làm cho người đương thời mà còn làm cho lớp lớp con cháu của chúng ta còn mãi mãi quan tâm. Sự vững vàng kiên định của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, lòng yêu nước hết sức nồng nàn của những con người xô-viết được thể hiện đặc biệt sáng ngời trong cuộc xung đột vũ trang này, một cuộc xung đột khốc liệt và đẫm máu nhất trong lịch sử loài người.
Với lòng tự hào chính đáng, chúng ta nhớ lại những chiến thắng lẫy lừng của Hồng quân, từ những trận đánh vĩ đại ở gần Matxcova, Xtalingrad, Kursk đến trận chiến kết thúc cuộc chiến tranh toàn thắng.
Thật không lấy làm lạ việc miêu tả những chiến dịch đó lại được chú ý rất nhiều. Nhưng cũng thật lầm to, nếu như trong những sự kiện của thời kỳ đầu chiến tranh, có ai đó lại chỉ chỉ toàn thấy những thất bại của Quân đội Xô-viết trước sự tiến công bất ngờ của bọn xâm lược. Không nên quên rằng chính những ngày gian nguy đó đã chứng minh hùng hồn cho toàn thế giới biết rằng Hồng quân, dưới sự lãnh đạo dày dạn của Đảng cộng sản, có thể vượt qua mọi thử thách nặng nề nhất. Tinh thần anh dũng, quả cảm của những chiến sĩ xô-viết, sự sáng suốt của đảng và chính phủ đã làm cho mọi kế hoạch của kẻ thù tan thành mây khói.
Toàn thế giới của nhiều nước tư bản đã nhanh chóng bị suy sụp và đầu hàng quân xâm lược trong những điều kiện ít phức tạp hơn. Chẳng hạn như nước Đức Hít-le chỉ trong một thời gian ngắn đã chiếm được hầu như toàn bộ Tây Âu. Thắng lợi dễ dàng đã làm cho bọn đầu sỏ phát-xít hoa mắt và cũng là mảnh đất nuôi dưỡng ý tưởng điên rồ về chuyện tiêu diệt Hồng quân và chinh phục đất nước Xô-viết trong vòng sáu tuần lễ.
Tôi muốn để bạn đọc thấy cái kế hoạch ăn cướp đó đã bắt đầu tan vỡ ngay từ giờ phút đầu tiên, khi những đoàn quân của bọn Hít-le mới vượt qua biên giới quốc gia của Liên Xô.
Chính vì thế, tôi quyết định bắt đầu hồi ức của mình từ những ngày sắp nổ ra chiến tranh và lấy những sự kiện của thời kỳ đầu chiến tranh năm 1941 ở Ucraina làm nội dung chính.
Vào lúc chiến tranh sắp nổ ra, tôi làm trưởng phòng tác chiến kiêm phó tham mưu trưởng đặc khu Kiev, mà ngay từ ngày đầu chiến tranh, nó đã được chuyển thành phương diện quân Tây-Nam. Tôi đã tham gia trực tiếp vào việc thảo các kế hoạch tác chiến của quân khu ngay trước chiến tranh và tổ chức chỉ huy chiến sự được triến khai vào mùa hè năm 1941 trên lãnh thổ rộng lớn của nước Ucraina Xô-viết trong những điều kiện cực kỳ bất lợi cho chúng ta.
Lòng chân thành mong muốn kể lại với đông đảo đồng bạn đọc về những con người Xô-viết đã phải chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn  như thế nào để đánh trả cuộc tiền công phản trắc của quân phatxit Đức, và họ đã thực hiện nghĩa vụ quân nhân đối với Tổ quốc một cách anh hùng ra sao, đã thôi thúc tôi bắt tay vào viết hồi ký.
Không gì có thể củng cố tình bạn bằng việc cùng nhau chiến đấu và vượt qua những thử thách gian nguy nhất. Tôi viết về những con người mà cho đến ngày nay mỗi khi nhớ tới họ, lòng mình vẫn thấy bồi hồi xúc động, tuy vậy, tôi vẫn cố gắng kể lại một cách hết sức khách quan và chính xác về những điều mà mình đã chứng kiến.
Ai đã từng cầm bút kể lại những sự ngày đã qua đều hiểu rằng viết về nhũng sự kiện mà bản thân đã trải qua không phải việc dễ dàng. Trong trường hợp như thế, đôi khi ta có cảm tưởng hành động của cấp chỉ huy mà chính mình là thành viên thì rất logic và dễ hiểu, còn hành động của những cấp chỉ huy khác thì trái lại khó giải thích, thậm chí còn sai lầm nữa. Tôi cố tránh thói chủ quan đó và cố gắng nhìn nhận hành động của các tướng lĩnh cũng với thái độ như khi tự đánh giá cách sử xự của mình.
Để giúp bạn đọc hiểu được những sự kiện của thời kỳ đầu chiến tranh, tôi định bắt đầu hồi ký của mình từ tình hình ở đặc khu Kiev trong những tháng trước đó.
Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại kéo dài 1418 ngày. Cuốn sách này chỉ nói tới 178 ngày đầu của nó. Đây thực ra chỉ mới là thời kỳ đầu của cuộc chiến.
Trong 178 ngày ấy, Hồng quân không chỉ phải gánh chịu thất bại, mà còn đã đánh địch, học tập cách chiến thắng. Trong phạm vi có hạn của mình tôi cố làm rõ điều đó qua việc kể lại hoạt động của bộ đội hai phương diện quân Tây-Nam và Nam.
Đặc biệt, tôi có ý định giải thích những nguyên nhân khiến Bộ Tổng tư lệnh tối cao đã tìm mọi cách trì hoãn việc rút các tập đoàn quân của Phương diện quân Tây-Nam ra khỏi Kiev khi mà chủ lực của phương diện quân đang có nguy cơ bị bao vây. Bạn đọc có thể thấy rằng mặc dù bộ đội soviet buộc lòng phải bỏ thủ đô Ucraina sau 70 ngày phòng thủ anh dũng và ngoan cường, nhưng sự chống trả của họ chẳng những không giảm sút, mà trái lại còn quyết liệt hơn. Nhờ những nỗ lực to lớn ấy, chúng ta đã khôi phục được một khu vực rộng lớn trên hướng Kiev-Kharkov.
Tôi muốn đánh tan quan niệm không đúng cho rằng vào tháng Mười hai năm 1941, bộ đội của Phương diện quân Tây-Nam phải rút từ tuyến Bê-lơ-gô-rốt, Khác-cốp về phía Đông là do bị thua trong các trận chiến đấu ác liệt xảy ra hồi cuối tháng Chín và nữa đầu tháng Mười. Tôi sẽ đưa ra những sự kiến xác thực để chứng minh là tình hình không phải là như vậy.
Đọc nhiều sách báo nói về cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, tôi chú ý đến một điều ngay các nhà sử học quân sự cũng không hình dung được hoàn toàn rõ ràng về sự phát sinh ý định tác chiến của một trong những chiến dịch tiến công lớn đầu tiên, đó là ý định đột kích ở vùng Rô-xtốp trên sống Đôn. Tôi tham gia từ đầu đến cuối vào việc chuẩn bị và tiến hành chiến dịch vẻ vang này nên tôi cố gắng kể lại tỉ mỉ về tư tưởng chiến dịch đã nảy sinh và được thực hiện như thế nào.
Không phải ngẫu nhiên mà hồi ký của tôi về thời kỳ đầu chiến tranh lại kết thúc bằng cuộc tiến công của bộ đội cánh phải của Phương diện quân Tây-Nam ở Ê-lê-txơ, một cuộc tiến công về thực chất là bộ phận của trận quyết chiến lớn ở gần Mát-xcơ-va, một trận đánh đã làm tiêu tan cái huyền thoại về sự bách chiến bách thắng của quân đội Hít-le. Chiến dịch tương đối không lớn về quy mô này chẳng những rất lý thú vì vẻ đốc đáo riêng, mà còn vì nó là một trong những dòng suối nhỏ hợp thành những dòng thác lớn cuốn phăng quân thù ra khỏi thủ đô Liên Xô.
Như mọi tác giả khác, khi hiến dâng công trình để bạn đọc phán xét, tôi mong muốn bạn đọc sẽ không lãnh đạm và luôn luôn nhớ tới những chiến sĩ dũng cảm đã thực hiện một cách xứng đáng nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc.

I.Kh.Ba-gra-mi-an
TRỞ LẠI DANH SÁCH            ĐẶC KHU_TRỞ LẠI ĐƠN VỊ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét